Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Căn cứ Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
1. Phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng:
- Phạm vi: Người nộp thuế có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP phát sinh giao dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
- Nguyên tắc áp dụng:
+ Người nộp thuế có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai các giao dịch liên kết; loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.
+ Cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá giao dịch liên kết của người nộp thuế theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức để không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước và thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định của Nghị định này.
Để thực thi được nguyên tắc này, tại các Điều khoản quy định chi tiết ở Chương II của Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã cụ thể hoá các nội dung tương ứng với từng Điều (Điều 6 - Phân tích so sánh; Điều 7 - Phương pháp xác định giá; Điều 8 - Chi phí giao dịch liên kết)
2. Phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết:
- Áp dụng Nguyên tắc phân tích so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất quyết định hình thức để xác định bản chất giao dịch liên kết có tính chất tương đồng với các đối tượng so sánh độc lập.
- Phân tích so sánh phải đảm bảo tính tương đồng giữa đối tượng so sánh độc lập và giao dịch liên kết, không có khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến mức giá; tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận.
- Phân tích so sánh áp dụng phương pháp đối chiếu, rà soát, điều chỉnh khác biệt trọng yếu đối với các yếu tố so sánh để lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập. Các yếu tố so sánh cần phân tích gồm: đặc tính sản phẩm, chức năng hoạt động, điều kiện hợp đồng và điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch.
- Quy định về quy trình các bước phân tích so sánh
Nội dung quy định này được Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết thêm tại Điều 2 Thông tư số 41/2017/TT-BTC hướng dẫn một số Điều của Nghị định để đảm bảo NNT dễ dàng thực hiện các bước của quy trình phân tích so sánh làm cơ sở xác định giá giao dịch liên kết.
3. Các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết:
Nghị định quy định 3 phương pháp xác định giá giao dịch liên kết gồm 01 phương pháp trực tiếp và 2 phương pháp gián tiếp, cụ thể:
- PP1: Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập.
- PP2: Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận của người nộp thuế với tỷ suất lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập.
- PP3 Phương pháp phân bổ lợi nhuận.
Đối với từng phương pháp, Nghị định quy định cụ thể về các trường hợp áp dụng, nguyên tắc áp dụng và phương pháp xác định.
Đồng thời để NNT và CQT dễ dàng áp dụng, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn thêm về các phương pháp xác định giá tại Điều 3 Thông tư số 41/2017/TT-BTC hướng dẫn một số Điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Trong Thông tư hướng dẫn nội dung này, Bộ Tài chính hướng dẫn thêm về việc áp dụng phương pháp so sánh lợi nhuận để NNT có thể áp dụng được trong thực tế.
4. Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:
- Người nộp thuế không được trừ vào chi phí tính thuế TNDN trong kỳ đối với các khoản chi phí phát sinh của các giao dịch liên kết không phù hợp bản chất giao dịch độc lập hoặc không góp phần tạo ra doanh thu, thu nhập cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Chi phí dịch vụ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: các khoản chi phí phát sinh từ các dịch vụ được cung cấp chỉ nhằm mục đích phục vụ lợi ích hoặc tạo giá trị cho các bên liên kết khác; dịch vụ phục vụ lợi ích cổ đông của bên liên kết; dịch vụ tính phí trùng lắp do nhiều bên liên kết cung cấp cho cùng một loại dịch vụ, không xác định được giá trị gia tăng cho người nộp thuế; dịch vụ về bản chất là các lợi ích người nộp thuế nhận được do là thành viên của một tập đoàn; và chi phí mà bên liên kết cộng thêm đối với dịch vụ do bên thứ ba cung cấp thông qua trung gian bên liên kết không đóng góp thêm giá trị cho dịch vụ.
- Tổng mức chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với (+) chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA).

5. Cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định, quản lý giá giao dịch liên kết:
- Cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế, bao gồm: cơ sở dữ liệu thương mại; Thông tin dữ liệu của các doanh nghiệp được công bố công khai trên thị trường chứng khoán; Thông tin, dữ liệu công bố trên các sàn giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong nước và quốc tế; Thông tin do các cơ quan Bộ, ngành trong nước công bố công khai hoặc các nguồn chính thức khác.
- Cơ sở dữ liệu sử dụng trong quản lý giá giao dịch liên kết của Cơ quan thuế:
Ngoài cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế nêu trên, bao gồm Cơ sở dữ liệu thương mại; Thông tin dữ liệu của các doanh nghiệp được công bố công khai trên thị trường chứng khoán; Thông tin, dữ liệu công bố trên các sàn giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong nước và quốc tế; Thông tin do các cơ quan Bộ, ngành trong nước công bố công khai hoặc các nguồn chính thức khác; Cơ quan thuế còn sử dụng các nguồn cơ sở dữ liệu khác như: Thông tin, dữ liệu trao đổi với các Cơ quan thuế đối tác; Thông tin do các cơ quan Bộ, ngành trong nước cung cấp cho Cơ quan thuế; Cơ sở dữ liệu của Cơ quan thuế.
- Cơ sở dữ liệu của Cơ quan thuế sử dụng trong quản lý rủi ro và ấn định giá giao dịch liên kết đối với các trường hợp vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này.
Thứ tự ưu tiên lựa chọn dữ liệu so sánh:
+ Đối tượng so sánh nội bộ của NNT
+ Đối tượng cùng quốc gia, lãnh thổ với NNT
+ Đối tượng ở các nước cùng khu vực có điều kiện ngành và trình độ phát triển kinh tế tương đồng.
6. Nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết và chuẩn bị Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết:
Người nộp thuế có nghĩa vụ kê khai các mẫu số 01, 02. 03, 04 tại Phụ lục ban hành hành kèm theo Nghị định số 20 và chuẩn bị hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết ở 3 cấp độ: Hồ sơ toàn cầu; Hồ sơ quốc gia và Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
Đối với công ty mẹ tối cao mà trụ sở chính tại Việt Nam có ngưỡng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18 nghìn tỷ đồng trở lên có nghĩa vụ lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia và gửi cho cơ quan thuế.
Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc kê khai các mẫu số 01, 02. 03, 04 tại Phụ lục ban hành hành kèm theo Nghị định số 20 tại Thông tư hướng dẫn một số Điều của Nghị định (Các mẫu này thay thế cho mẫu số 03-7/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC).
Nội dung hướng dẫn về kê khai được hướng dẫn tại Điều 4 của Thông tư số 41/2017/TT-BTC và Phụ lục hướng dẫn kê khai của Thông tư.
7. Quy định về ngưỡng an toàn được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá GDLK, bao gồm các trường hợp:
(1) Miễn kê khai phương pháp xác định giá, miễn lập Hồ sơ xác định giá nếu NNT chỉ phát sinh giao dịch với bên liên kết trong nội địa, áp dụng cùng thuế suất, không bên nào được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
(2) Miễn lập Hồ sơ giá giao dịch liên kết nếu:
- NNT có tổng doanh thu dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị GDLK dưới 30 tỷ đồng.
- NNT đã ký APA với Cơ quan thuế.
- NNT có chức năng đơn giản, rủi ro thấp, doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế TNDN trên doanh thu:
a) 5% đối với phân phối;
b) 10% đối với sản xuất;
c) 15% đối với gia công.
Tại Điều 5 Thông tư số 41/2017/TT-BTC, Bộ Tài chính hướng dẫn 2 nội dung:
+ Cách xác định tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế TNDN trên doanh thu.
+ Và trường hợp người nộp thuế thực hiện chức năng kinh doanh đơn giản nhiều hơn một lĩnh vực sẽ áp dụng, xác định tỷ suất lợi nhuận chưa trừ chi phí lãi vay và thuế TNDN trên doanh thu như thế nào (theo dõi riêng được thì xác định theo dõi riêng, còn nếu không theo dõi riêng được sẽ thực hiện phân bổ và không phân bổ được thì áp dụng ở mức cao nhất).
8. Các trường hợp Cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế đối với các NNT vi phạm về kê khai, xác định giá giao dịch liên kết gồm:
- NNT không kê khai, kê khai không đầy đủ thông tin hoặc không nộp Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
- Người nộp thuế cung cấp không đầy đủ thông tin Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Mẫu số 02, Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này hoặc không xuất trình Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và các dữ liệu, chứng từ và tài liệu được sử dụng làm căn cứ phân tích so sánh, xác định giá tại Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo yêu cầu của Cơ quan thuế trong thời hạn theo quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP;
- Người nộp thuế sử dụng các thông tin về giao dịch độc lập không trung thực, không đúng thực tế để phân tích so sánh, kê khai xác định giá giao dịch liên kết hoặc dựa vào các tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận áp dụng cho giao dịch liên kết;
- Người nộp thuế có hành vi vi phạm các quy định về xác định giá giao dịch liên kết tại Điều 11 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
9. Trách nhiệm của cơ quan thuế và các Bộ ngành có liên quan:
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giá chuyển nhượng, Tại Điều 13 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thuế và trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND, Sở Tài chính trong công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Xem thêm:http://dailythuetoancau.com/dich-vu-ke-toan.htm