Những nội dung mới của Luật Kế toán năm 2015
1. Về nguyên tắc kế toán
Luật kế toán năm 2015 bổ sung quy định nguyên tắc giá trị hợp lý (tại Điều 6). Theo đó giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính.
2. Về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán
Luật kế toán năm 2015 bổ sung quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán (Điều 7). Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gồm những quy định và hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm kế toán, kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ kế toán. Việc bổ sung quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán giúp cho người làm kế toán, người kinh doanh dịch vụ kế toán đảm bảo tuân thủ quy định chung của nghề nghiệp kế toán. Luật giao Bộ Tài chính quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
3. Về các hành vi bị cấm
Luật kế toán năm 2015 bổ sung hành vi bị cấm (Điều 13) nhằm đảm bảo bao hàm được tất cả các hành vi gian lận, sai phạm trong quá trình thực hiện luật, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm. Các hành vi được bổ sung như: (a) Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán; (b) Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức; (c) Kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hành nghề dịch vụ kế toán khi không bảo đảm điều kiện quy định của Luật này; (d) Thuê cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị mình; (e) Kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật…

4. Về chứng từ kế toán điện tử, sổ kế toán trên phương diện điện tử
Bên cạch việc kế thừa quy định của Luật kế toán năm 2003 là chứng từ điện tử, sổ kế toán trên phương tiện điện tử sau khi khóa sổ được in ra giấy, làm các thủ tục và lưu trữ theo quy định, Luật kế toán năm 2015 bổ sung quy định đối với trường hợp không in ra giấy mà thực hiện lưu trữ trên các phương tiện điện tử thì phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ (Điều 18, Điều 26).
5. Về tài khoản kế toán
Luật kế toán năm 2015 bổ sung quy định về các hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho đơn vị kế toán có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị không sử dụng ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và đơn vị kế toán khác, đồng thời, giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán nêu trên (Điều 22).
6. Về báo cáo tài chính nhà nước
Luật kế toán năm 2015 bổ sung quy định mới về báo cáo tài chính nhà nước (Điều 30). Báo cáo tài chính nhà nước được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực nhà nước, dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương.
7. Về kiểm tra kế toán
- Luật kế toán năm 2015 bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra kế toán, gồm: (a) Bộ Tài chính; (b) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở trung ương quyết định việc kiểm tra kế toán các đơn vị kế toán trong lĩnh vực được phân công phụ trách; (c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định kiểm tra kế toán các đơn vị kế toán tại địa phương do mình quản lý; (d) Đơn vị cấp trên quyết định kiểm tra kế toán đơn vị trực thuộc (Điều 34).
- Về cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán: ngoài các cơ quan nêu trên thì cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành về tài chính, Kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các đơn vị kế toán cũng có thẩm quyền kiểm tra kế toán.
8. Về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ
Luật kế toán năm 2015 bổ sung quy định về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ với các nội dung cụ thể sau:
- Kiểm soát nội bộ là việc thiết lập và tổ chức thực hiện trong nội bộ đơn vị kế toán các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra. Đơn vị kế toán phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ để bảo đảm các yêu cầu: (a) Tài sản của đơn vị được bảo đảm an toàn, tránh sử dụng sai mục đích, không hiệu quả; (b) Các nghiệp vụ được phê duyệt đúng thẩm quyền và được ghi chép đầy đủ làm cơ sở cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực, hợp lý.
- Kiểm toán nội bộ: Luật kế toán năm 2015 quy định kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu quả kiểm soát nội bộ. Đồng thời, quy định 04 nhiệm vụ cụ thể của kiểm toán nội bộ, gồm:
+ Kiểm tra tính phù hợp, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ;
+ Kiểm tra và xác nhận chất lượng, độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính của báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị trước khi trình ký duyệt;
+ Kiểm tra việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động, quản lý, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính, kế toán, chính sách, nghị quyết, quyết định của lãnh đạo đơn vị kế toán;
+ Phát hiện những sơ hở, yếu kém, gian lận trong quản lý, bảo vệ tài sản của đơn vị; đề xuất các giải pháp nhằm cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị kế toán.
9. Về trách nhiệm của người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán và kết toán trưởng
- Bổ sung trách nhiệm người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán. Theo đó, ngoài các trách nhiệm đã được quy định tại Luật kế toán năm 2003, Luật kế toán năm 2015 đã bổ sung thêm các quy định: (a) Chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai phạm do người khác gây ra nhưng thuộc trách nhiệm quản lý của mình; (b) Tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị và thực hiện kiểm tra kế toán các đơn vị cấp dưới (Điều 50).
- Bổ sung trách nhiệm của kế toán trưởng phải lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán (điểm c khoản 1 Điều 55).
10. Về kinh doanh dịch vụ kế toán
- Luật kế toán năm 2015 bổ sung quy định về “kế toán viên hành nghề” với những nội dung cụ thể.
- Ngoài ra Luật kế toán năm 2015 cũng bổ sung các quy định về hồ sơ, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (Điều 61, Điều 62), cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (Điều 63) đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính; Quy định rõ về trách nhiệm của kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán (Điều 67); Quy định các trường hợp bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán, bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và bị đình chỉ hành nghề đối với kế toán viên hành nghề (Điều 69).
11. Về tổ chức nghề nghiệp kế toán
Để tăng cường vai trò của tổ chức nghề nghiệp về kế toán, Luật kế toán năm 2015 bổ sung 1 điều (Điều 70) quy định về vấn đề này. Theo đó, tổ chức nghề nghiệp về kế toán được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về hội và có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán. Tổ chức nghề nghiệp về kế toán được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kế toán do Chính phủ quy định.
12. Về quản lý nhà nước về kế toán
Luật kế toán năm 2015 (Điều 71) quy định: (1) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kế toán. (2) Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về kế toán
13. Về điều khoản thi hành
Luật kế toán năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/017 và Luật kế toán số 03/2003/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Luật này có hiệu lực, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của Luật này để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; nếu không đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì phải chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán. Chứng chỉ hành nghề kế toán đã cấp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài theo Luật kế toán số 03/2003/QH11 có giá trị như chứng chỉ kế toán viên quy định tại Luật này (Điều 73)./.