Một số lưu ý đối với lao động nước ngoài có giấy phép lao động hoặc có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp phép lao động

Một số lưu ý đối với lao động nước ngoài có giấy phép lao động hoặc có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp phép lao động

 

         Tại Việt Nam, thực tế số lượng lao động nước ngoài hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp ngày một tăng cao, tuy nhiên, không ít trường hợp lao động nước ngoài đang làm việc này chưa có giấy phép lao động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vậy, chính sách thuế GTGT và TNDN đối với các khoản chi phí liên quan đến lao động nước ngoài này được áp dụng như thế nào?

 
         Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đang tạo ra dòng di chuyển lao động quốc tế rất đáng quan tâm. Sự di chuyển lao động này có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, mở cửa thị trường lao động đã và đang tạo điều kiện cho việc di chuyển lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đồng thời cũng tạo điều kiện cho lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam ngày một gia tăng.
 

       
 Xuất phát từ thực tiễn cần phải có quy định về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nên ngay từ Bộ luật Lao động của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành ngày 23/6/1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995, đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012; trong đó lần sửa đổi năm 2012 là lần sửa đổi cơ bản, toàn diện trong đó đã có những quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ điều kiện của lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, điều kiện tuyển dụng, giấy phép lao động, thời hạn của giấy phép, các trường hợp giấy phép hết hiệu lực... 
 

         Theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động là công dân nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.


Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu nước ngoài trước khi tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài vào làm việc trên lãnh thổ Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
         Cũng theo các quy định này nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động phải thể hiện chứng minh nhân dân hoặc số giấy phép lao động và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định bị trục xuất theo quy định của pháp luật Việt Nam.
 
         Theo đó, về mặt chính sách thuế, trường hợp Công ty có thuê lao động nước ngoài để thực hiện các công việc tại Việt Nam nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động thì công ty không được tính vào chi phí được trừ và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của các chi phí liên quan đến việc sử dụng lao động nước ngoài nêu trên.
 
(Tham khảo quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, Thông tư số 26/2015/TT-BTC, Thông tư số 96/2015/TT-BTC)

                                                      Dịch vụ tư vấn thuế tại Hà Nội 
 
 
Bản quyền thuộc về Globaltax.vn -